TÌNH TRẠNG KÊNH MƯƠNG Ở TP.HCM

TÌNH TRẠNG KÊNH MƯƠNG Ở TP.HCM
Ngày đăng: 12/06/2022 10:32 AM

TPHCM có khoảng 2.000km kênh rạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn thành phố. Những năm qua, với sự nỗ lực của thành phố, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đã dần hồi sinh. Tuy nhiên, một số kênh rạch khác vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm, bởi rác, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường.

Xả rác bừa bãi trên kênh, rạch ở TPHCM, “gây khó” cho công nhân môi trườngXả rác bừa bãi trên kênh, rạch ở TPHCM, “gây khó” cho công nhân môi trường

Con kênh nối từ chợ Bà Chiểu ra đường Trường Sa thuộc quận Bình Thạnh những ngày này, rác thải sinh hoạt, từng bịch ni lông nổi lềnh bềnh phủ lên một màu trắng trên mặt nước đen kịt. Đây là một trong rất nhiều con kênh nhỏ đổ ra dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Chỉ sau một trận mưa đầu mùa vào ngày 16/5 vừa qua, nước bẩn từ các khu dân cư ở quận 1, quận 3, quận Tân Bình, Phú Nhuận đổ ra, làm chết đến 70 tấn cá. Chính quyền địa phương biết, các sở, ngành biết, người dân cũng biết, nhưng chẳng ai bảo vệ được con kênh mà thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo này. Ông Trần Văn Tài, người dân ở phường 4, quận Bình Thạnh ngán ngẩm nói: “Họ vứt rác xuống kênh rất nhiều. Con kênh này ô nhiễm, nước thì đen và hôi lắm. Đó, các anh đi vòng qua đây coi, rác, lục bình nổi lềnh bềnh trên mặt nước, cả ở trên mặt đường nữa nè. Những người giữ công viên đâu có quản lý được”.

Ngập lụt ở TP.HCM sau trận mưa lớn

Những con kênh bẩn nhất có thể kể đến như: Rạch Bàu Trâu giáp ranh giữa quận Tân Phú và quận 6; rạch Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh); kênh Nước Đen (quận Bình Tân), kênh 19/5 chảy qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 4; kênh A41 (quận Tân Bình). Ngoài lượng rác thải sinh hoạt chủ yếu do người dân sống hai bên bờ rạch thải xuống, còn có rất nhiều rác thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất nhỏ lén lút đổ xuống những con rạch này.

Kết quả quan trắc mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho thấy, nước sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trên địa bàn TPHCM vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại một số điểm quan trắc như Cầu Xáng - Kênh Xáng, Rạch Cây Khô - Tắc Bến Rô và kênh Thầy Cai, các thông số NH3, ô nhiễm vi sinh (coliform) đều vượt quy chuẩn từ 1,73 - 130,7 lần. Ông Võ Thành Nhân, Phó Phòng Tài nguyên – Môi trường Quận 6 cho biết: Tuy chúng tôi đã tuyên truyền nhiều, nhưng một bộ phận người dân vẫn còn lén lút đổ rác xuống kênh. Lực lượng chức năng thì cũng phải thực hiện nhiều chương trình nên không đảm bảo được việc bảo vệ môi trường một cách toàn diện được.

Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trong Điều 56 về Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập kế hoạch bảo vệ, điều hòa chế độ nước của hồ, ao, kênh, mương, rạch; lập và thực hiện kế hoạch cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, kênh, mương, rạch gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước và làm mất mỹ quan đô thị.

Khung hình phạt để xử lý những đối tượng vi phạm về lĩnh vực môi trường đã có, nhưng việc áp dụng những công cụ này ở TPHCM còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, chỉ vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân là chưa đủ. Công tác bảo vệ môi trường cần thêm những chế tài đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Những con kênh, rạch nội ô ở TPHCM đang “chết” dần vì rác thải. Ô nhiễm môi trường là mối đe dọa trực tiếp đến tới cuộc sống và sức khỏe của người dân thành phố. Khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường, mơ ước có một môi trường sống trong lành của hàng triệu người dân thành phố vẫn chỉ là ước mơ.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline